Tranh cãi Lương Sơn Bá – Chúc Anh Đài

Các chứng cứ:1. Theo khảo chứng của các nhà sử học nghiên cứu về thời Ngụy – Tấn, câu chuyện “Lương Chúc” khởi nguồn tại thị trấn Mã Hương, huyện Nhữ Nam, tỉnh Hà Nam. Tại đây hiện còn những di tích như mộ Lương Chúc, Lương gia trang, Chúc gia trang, Mã gia trang, thư viện Hồng La Sơn, mộ của Trâu Đồng – thầy Lương Chúc,...

2. Nhà nghiên cứu văn hóa Lương Chúc tại Nghi Hưng, Giang Tô – ông Lộ Hiểu Nông thì lại cho rằng, bản ghi chép bằng chữ viết về câu chuyện Lương Chúc xuất hiện sớm nhất tại Nghi Hưng. Nhiều chuyên gia trong giới học thuật, giới sử học, du lịch nhận định rằng: Từ “Tì lăng chí” của Tống Hàm Thuần đến tiểu thuyết truyền kỳ của Phùng Mộng Long thời Minh, đều có ghi chép và các chứng cứ cho thấy, Lương Sơn Bá và Chúc Anh Đài là người Nghi Hưng.

Mộ Lương Chúc ở Nhữ Nam không giống các nơi khác – là một ngôi mộ chung. Tại đây có hai ngôi mộ riêng, trong ảnh ngôi mộ ở xa là của Lương Sơn Bá, và gần hơn là mộ Chúc Anh Đài

3. Chuyên gia nghiên cứu văn hóa Lương Chúc, Chủ tịch Hội liên hiệp văn học khu Ngân Châu thành phố Ninh Ba – ông Ma Thừa Chiếu nói, theo nghiên cứu của ông đối với quyển Ngân Châu huyện chí, thì Lương Sơn Bá là người Ngân Châu, và Chúc Anh Đài là người Thượng Ngu.

4. Trong Nghĩa Trung Vương miếu ký của tri phủ Minh Châu (Ninh Ba ngày nay) thuộc triều Tống Lý Mậu Thành ghi chép: Lương Sơn Bá sinh vào mùng 1 tháng 3 âm lịch năm 352 Công nguyên, qua đời vào ngày 16 tháng 8 âm lịch năm 373, chưa từng kết hôn. Chúc Anh Đài kết hôn vào mùa xuân năm 374, miếu Lương Sơn Bá (còn gọi là miếu Nghĩa Trung Vương) xây dựng vào năm 397. Sau này, các ghi chép quan trọng khác còn có “Lý Tú Khanh kết nghĩa Huỳnh Trinh Nữ” của Phùng Mộng Long, triều Minh và “Chúc Anh Đài tiểu truyện” của Thiệu Kim Bưu, triều Thanh. Kết cuộc đôi uyên ương khổ mệnh hoá bướm cũng có trong “Chúc Anh Đài tiểu truyện”.

5. Tháng 7 năm 1997, người ta phát hiện một ngôi mộ có từ đời Tấn trong miếu thờ Lương Sơn Bá ở Ninh Ba, vị trí, qui cách và đồ tùy táng của ngôi mộ đều trùng khớp với thân phận huyện lệnh huyện Ngân và nơi an táng của Lương Sơn Bá ghi chép trong sách sử. Đây được cho là tư liệu, hiện vật đáng tin cậy.

6. Thập niên 50 của thế kỷ 20, khi sáng tác tiểu thuyết Lương Sơn Bá và Chúc Anh Đài, nhà văn nổi tiếng Trương Hận Thủy từng dựa vào truyền thuyết dân gian, khảo chứng ra mười nơi khởi nguồn của câu chuyện “Lương Chúc”: Thành phố Ninh Ba tỉnh Chiết Giang, TP Nghi Hưng tỉnh Giang Tô, TP Khúc Phụ tỉnh Sơn Đông, huyện Thanh Thủy tỉnh Cam Túc, huyện Thư Thành tỉnh An Huy, TP Hà Giang tỉnh Hà Bắc, huyện Gia Tường tỉnh Sơn Đông, TP Giang Đô tỉnh Giang Tô, thị trấn Bồ Châu tỉnh Sơn Tây và TP Tô Châu tỉnh Giang Tô.

7. Trước mắt, đã phát hiện 17 di tích liên quan đến Lương Chúc, bao gồm 6 nơi học tập, 10 ngôi mộ và 1 ngôi miếu. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, nơi học tập của Lương Chúc được hình thành sau khi chịu ảnh hưởng từ truyền thuyết dân gian, nên không thể chứng minh nơi khởi nguồn.

Các câu chuyện khác nhau:

Hiện nay, hơn 10 địa phương ở Trung Quốc đều tranh nhau tự xưng là quê hương của Lương Chúc, trong đó, có những nơi từng làm văn bản xin được công nhận di sản văn hóa thế giới. Truyền thuyết “Lương Chúc” đã trở thành miếng mồi béo bở cho ngành du lịch, nơi nào cũng muốn giành, chưa kể nhiều người còn cất công biên khảo, tô vẽ để tìm cách chứng thực.

Tại Ninh Ba, Chiết Giang, tương truyền Lương Sơn Bá là huyện lệnh của Ngân Châu, vì đắc tội với các nhà quyền quý, bị hãm hại đến chết, bá tánh đã xây cho anh một ngôi mộ lớn. Còn Chúc Anh Đài là hiệp nữ thời Minh, chuyên cướp của người giàu chia cho người nghèo, sau này cũng bị bọn quý tộc kết hợp với tham quan ô lại sát hại. Để tưởng nhớ hai người, dân chúng địa phương đã an táng họ chung phần mộ, xem như kết hôn... dưới âm phủ. Ngân Châu hiện còn bảo tồn ngôi mộ chung và nhà của Lương Chúc.

Còn tại Nhữ Nam lại kể rằng, vào triều Tấn, Lương Sơn Bá học chung với Chúc Anh Đài trong ba năm, nhưng vẫn không phát hiện thân phận nữ nhi của cô. Trước lúc lâm chung, Lương Sơn Bá yêu cầu người nhà an táng cho mình tại ven đường nơi kiệu hoa của Chúc Anh Đài sẽ đi qua, để mình trông thấy cô thành hôn. Sau khi hay tin, Chúc Anh Đài mặc áo tang xuất giá, khi kiệu hoa đi ngang ngôi mộ của Lương Sơn Bá, cô yêu cầu được xuống kiệu cúng tế, nhân lúc mọi người không chú ý, cô đã tự vẫn bằng cách đập đầu vào cây liễu. Hai người được chôn mộ riêng, chứ không an táng chung. Hiện nay, tại Nhữ Nam có “Đài Tử tự” được cho là nơi Lương Chúc học tập, còn gọi là “núi Hồng La”. Theo truyền thuyết, nơi đây từng có “Hồng La thư viện”. Trên núi Hồng La, cái giếng mà Lương Chúc lấy nước trong truyện kể vẫn còn, bên cạnh giếng có tấm bia đá khắc chữ “Giếng Lương Chúc”.

Ngoài ra còn có bốn phiên bản “Lương Chúc” khác, và dường như mỗi nơi đều có những dấu tích riêng, vì thế đến nay người ta vẫn chưa thể xác định đâu là quê hương, khởi nguồn chuyện tình Lương Chúc.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Lương Sơn Bá – Chúc Anh Đài http://www.cinemasie.com/animes/fiche/oeuvre/butte... http://www.cinemasie.com/fiche/oeuvre/loveeterne/ http://www.cinemasie.com/fiche/oeuvre/lovers/ http://www.guoxue.com/tangyanjiu/stwd/074.htm http://www.imdb.com/title/tt0057248/ http://www.imdb.com/title/tt0110340/ http://www.imdb.com/title/tt0446958/ http://www.newsgd.com/culture/life/200406140042.ht... http://news.xinhuanet.com/english/2004-06/15/conte... http://www.butterflylovers.org